Bệnh gai đen xuất hiện do biến chứng tiểu đường, gây ra tình trạng da sạm, dày, mượt như nhung ở các nếp gấp hoặc nếp nhăn trên cơ thể. Căn bệnh này thường tìm thấy ở những người đề kháng insulin và liên quan tới béo phì.
Bệnh gai đen là gì?
Bệnh gai đen là chứng rối loạn về da dẫn tới những vệt màu từ nâu nhạt cho tới đen, xuất hiện ở nách, háng, cổ và dưới bầu ngực. Ban đầu, da vùng bệnh chỉ đổi màu xám nhìn trông như bị dính bẩn, sau đó sẽ đen dần, sờ có cảm giác sần sùi hay nham nhám vì nổi u nhú, tăng sừng.
Bệnh này thường xảy ra ở những người mắc căn bệnh tiểu đường. Trong một số trường hợp hiếm, bệnh gai đen cũng có thể là dấu hiệu cho thấy chủ nhân bị ung thư ở cơ quan nội tạng như gan hoặc dạ dày.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh gai đen. Tuy nhiên, việc chữa trị các tình trạng tiềm ẩn sẽ giúp phục hồi màu sắc, kết cấu bình thường của làn da bị ảnh hưởng.
Do đây là căn bệnh ngoài da nên rất dễ dàng nhận biết qua mắt thường hoặc sở lên da. Một số dấu hiệu phổ biến thường thấy bao gồm:
- Quan sát thấy da đen, nâu nhạt, dày hoặc mịn hơn, khi sờ cảm thấy như đang đặt tay lên miếng vải nhung
- Vùng da bị ảnh hưởng có mùi, ngứa, xung quanh bị gai đen cũng sẽ xuất hiện những nốt skintag (đuôi da hay thịt dư)
Nguyên nhân gây ra căn bệnh gai đen
Thông thường, người mắc bệnh gai đen thường do biến chứng tiểu đường, liên quan mật thiết tới đề kháng insulin. Trong đó, insulin là hormone tiết ra do tụy, cho phép cơ thể chuyển hóa đường.
Dấu hiệu của bệnh gai đen
Căn bệnh này không xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm ẩn, chủ yếu là: da dày hơn bình thường, sắc tố da tăng lên dẫn tới tình trạng da sạm hay chuyển thành đen, da mượt như nhung,…
Bệnh gai đen khi nào thì cần gặp bác sĩ?
Khi bạn thấy có những dấu hiệu trên hoặc triệu chứng bất thường mà bản thân nghi ngờ đó chính là bệnh gai đen, đặc biệt ở người đang bị bệnh tiểu đường thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bởi đôi khi nó lại báo hiệu cơ thể bạn đang gặp phải một căn bệnh nguy hiểm nào khác, cần chẩn đoán và điều trị sớm.
Cách điều trị bệnh gai đen do tiểu đường
Hiện nay vẫn chưa có phương thuốc chữa trị đặc hiệu dành cho bệnh gai đen. Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ áp dụng một số phương pháp sau trong quá trình điều trị:
Nguyên tắc điều trị
- Bôi thuốc tại chỗ
- Điều trị toàn thân
- Điều trị các căn bệnh phối hợp nếu có
Điều trị cụ thể
Khi tiến hành điều trị, các y bác sĩ sẽ lần lượt thực hiện những giải pháp sau:
Tại chỗ
- Bôi kem vitamin A axit
- Dùng một số loại thuốc bạt sừng bong vảy (mỡ salicylic 3 – 5%)
Toàn thân
- Giảm trọng lượng cho cơ thể bằng cách tập luyện, ăn giảm calo
- Dùng acitretin từ 6 – 12 tháng, đồng thời theo dõi tình trạng chuyển hóa thành phần lipid bên trong máu
- Calcipotriol có công dụng kìm hãm quá trình nhân lên của tế bào sừng
- Laser CO2 sẽ làm bốc bay những tổn thương dày, không cải thiện bằng thuốc bôi
Điều trị các căn bệnh phối hợp
Đối với bước này, các y bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bệnh tiểu đường để làm giảm những triệu chứng gây ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định cắt bỏ khối u nếu thật cần thiết.
Nếu vùng da xuất hiện các vết loét, trở nên khó chịu hơn hay bắt đầu có mùi hôi thì bác sĩ sẽ đề nghị thoa kem theo toa để làm sáng hoặc mềm vùng da đang bị ảnh hưởng, đồng thời kết hợp sử dụng:
- Xà phòng có tính kháng khuẩn
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc trị mụn đường uống
- Công nghệ laser để giảm độ dày của làn da
Nhìn chung, để chữa khỏi căn bệnh gai đen cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh, từ đó tìm ra cách khắc phục thích hợp nhằm mang đến hiệu quả tối ưu.
Bệnh gai đen mặc dù nhẹ, không ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, đôi khi nó lại chính là dấu hiệu cảnh báo các căn bệnh nguy hiểm đáng chú ý khác như: ung thư gan, ung thư dạ dày. Do đó, nếu nhận thấy da xuất hiện những triệu chứng trên thì hãy tới gặp bác sĩ để thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả nhé!