Tại Tiền Giang, nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi dựa theo mô hình trồng cây ăn trái thương phẩm dần xuất hiện. Với ý chí quyết tâm, cần cù, sáng tạo trong lao động, không ít người đã vươn lên trở thành tỷ phú.
Tại ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Thủy (58 tuổi) ai cũng biết đến người nông dân sản xuất giỏi cấp toàn quốc này. Ông hiện đang sở hữu khu vườn rộng 1,8 ha đất trồng thanh long chuyên canh.
Khu vườn của ông Thủy không chỉ rộng nhất nhì tại địa phương mà còn trở thành mô hình “kiểu mẫu” trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP mang lại năng suất cao, có giá trị xuất khẩu được đông đảo người dân học theo.
Ông Thủy cho biết, gia đình trước kia trồng lúa hiệu quả không cao nên chuyển sang cây thanh long ruột trắng gần 30 năm. Đến giai đoạn 2012, nhờ sự khuyến cáo, hướng dẫn từ các ngành chuyên môn, ông đã bắt tay vào sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn Viet GAP rồi tới Global GAP, liên kết với hợp tác xã Mỹ Tịnh An để đưa trái thanh long xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Nhờ sự cần cù, siêng năng trong lao động và biết áp dụng kỹ thuật vào quá trình sản xuất nên vườn thanh long của ông Thủy luôn đạt năng suất, chất lượng cao. Trung bình hằng năm, vườn thanh long cho ra trái 3 vụ, thu về năng suất từ 50 – 60 tấn.
Toàn bộ trái thanh long của nhà ông Thủy đều được HTX Mỹ Tịnh An bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường. Vào mùa khô hạn năm nay, vườn thanh long này vừa cho thu hoạch 20 tấn trái, giá bán là 22 nghìn đồng/ký.
Để trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP thành công, ông Thủy đã tuân thủ đúng quy trình phun thuốc, bón phân, không dùng sản phẩm hóa học. Đặc biệt, ông còn tự ủ phân hữu cơ từ cá chết, chế phẩm cá để bón thường xuyên cho vườn cây của mình.
Vườn thanh long không trồng theo kiểu leo cây trên trụ xi măng mà lại thiết kế cho cây bò lên hàng rào thông qua các thanh sắt. Mô hình này giúp thanh long đạt năng suất cao, ít bị dịch bệnh, đồng thời kiểm soát được bệnh đốm nâu.
Mỗi khi “xông đèn” cho cây ra hoa trái vụ, ông Thủy áp dụng 2 loại đèn là bóng sợi đốt và led để tiết kiệm điện nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Toàn bộ khu vườn, người nông dân này đều lắp hệ thống gắn vòi tưới, phun thuốc tự động hóa. Do đó, cả khu vườn rộng lớn mà chỉ có vài người trong gia đình đảm trách công việc chăm sóc, không phải thuê mướn lao động.
Điều rất đáng khâm phục ở ông Thủy đó là ý chí quyết tâm, sáng tạo trong lao động sản xuất. Khi nhiều nông dân tại địa phương đang ồ ạt trồng thanh long ruột đỏ thì ông lại chung thủy với cây thanh long ruột trắng. Bởi theo ông Thủy, loại thanh long ruột trắng ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao, thị trường châu Âu, Mỹ rất hút hàng.
Thời gian qua, dù trái thanh long có những thời điểm ế ẩm, rớt giá nhưng ông Thủy vẫn không nản chí mà tiếp tục đầu tư, nâng cấp chất lượng vườn cây. Nhờ mô hình trồng thanh long thương phẩm mà gia đình ông đã trở nên khá giả hơn với nguồn thu nhập hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng.
Năm 2020, ông Thủy được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen về thành tích trong lao động sản xuất của mình. Bên cạnh đó, ông cũng nhận nhiều bằng khen từ TW Hội Nông dân Việt nam, UBND tỉnh Tiền Giang nhờ có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và thi đua lao động sản xuất.
Không chỉ lao động giỏi, ông Thủy còn giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An. Khoảng thời gian qua, ông hưởng ứng rất tích cực với các hoạt động phong trào, công tác từ thiện xã hội tại địa phương, điển hình là giúp nông dân nghèo khó, xây dựng cầu đường giao thông, tham gia hiến máu nhân đạo trên 30 lần.
Ở độ tuổi gần 60 nhưng tinh thần đam mê lao động sản xuất đối với người Đảng viên nông dân Lê Văn Thủy vẫn rất nhiệt huyết. Ông cho biết, còn sức khỏe thì bản thân vẫn sẽ tiếp tục tham gia lao động cùng gia đình, quyết tâm làm giàu từ cây thanh long, làm tấm gương để con cháu noi theo.