Làm thay đổi môi trường, tạo ra những con đường sạch đẹp

    Nghe đọc bài

    Chị là Nguyễn Thị Phương Quyên, 37 tuổi, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 23, khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM.

     “Những lần đầu tôi đi vận động kinh phí nâng cấp đường, bà con nghi ngờ nên nói rát mặt. Buồn, nhưng tôi tự nhủ phải kiên trì, lấy hành động để thuyết phục mọi người” – chị Quyên mở đầu câu chuyện. Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh các tuyến đường, tuyến hẻm trong tổ 23, chị khoe đoạn đường chạy dọc bờ kè và hẻm 11/27 đường TX24 vừa hoàn thành bê tông hóa trước tết Nguyên đán Quý Mão. Tại nhiều tuyến đường, tổ hội của chị còn kết hợp với các tổ khác phát quang bụi rậm, dọn rác, trồng cây và hoa. Thành ra, không chỉ được trải nhựa rộng rãi, khang trang, các tuyến đường, tuyến hẻm còn được “khoác áo mới” với những sắc màu. 

    Làm sạch con đường
    Trên hẻm 11/27 đường TX24 vừa được bê tông hóa, chị Quyên (phải) tự hào khoe với cán bộ hội

    Trên đường TX24, đoạn chạy dọc theo bờ kè thuộc tổ 23 bị hư hỏng, nhiều chỗ đọng nước, gập ghềnh. Thấy vậy, chị Quyên đã kêu gọi mọi người chung sức sửa lại đường. Tuy nhiên, bà con trong khu vực đa phần là lao động tự do, đời sống còn khó khăn, nên quá trình vận động kinh phí cũng chật vật. Để “khởi động”, vào tháng 8/2022, chị bỏ tiền túi mua 2 xe đá dăm rải lên những đoạn thường xuyên đọng nước. Thấy chị đội nắng gió san đá lấp ổ gà, nhiều người đã ra phụ giúp. Việc làm thực tâm của chị đã được chia sẻ trên nhóm chat của tổ và gây hiệu ứng tốt. Cuối tháng 12/2022, đoạn đường dài 100m, rộng 5m, đã hoàn thành việc trải nhựa bằng kinh phí đóng góp của người dân. 

    Thăm người già có hoàn cảnh khó khăn
    Chị Quyên (bìa trái) thường xuyên tới thăm và hỗ trợ các hộ nghèo

    Tương tự, tại hẻm 11/27 đường TX24 hễ ngập là “như cái ao”. Nhiều ngày trước khi họp tổ bàn chuyện làm đường và cống thoát nước, mỗi buổi tối chị Quyên lại tranh thủ đi gõ cửa từng nhà để nói chuyện. Biết chị đã vận động bê tông hóa được nhiều tuyến đường nên các gia đình đã nhanh chóng ủng hộ, nhà nào khó thì góp 1-2 triệu đồng, khá giả thì góp 5-7 triệu đồng, tất cả cùng đồng lòng vì một lối đi chung. Suốt thời gian thi công, dẫu cận kề tết với bao lo toan nhưng chị Quyên vẫn luôn có mặt để giám sát, phụ giúp những phần việc lặt vặt như kéo đá, trộn xi măng.

    Trước đây, chị Quyên làm nhân viên tiếp thị cà phê. Từ khi lập gia đình và có con nhỏ, chị mở quán bán cà phê – giải khát trước nhà. Mẹ chị –  dì Phạm Thu Trinh – cũng từng là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 23, khu phố 7. Với mong mỏi có đội ngũ cán bộ chi, tổ hội trẻ, năng động, bà đã động viên con gái nối bước mình. Đến giữa năm 2021, chị Quyên thay mẹ làm Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 23. Chị bộc bạch: “Tôi theo mẹ và các dì, các chị học việc được một thời gian thì COVID-19 đến. Thế là ngày nào tôi cũng đi xin rau củ quả, thịt cá mang về chia cho bà con. Có lẽ vì vậy mà bà con quen mặt, nhớ tên, không còn e dè với mình nữa. Bây giờ, tôi vận động làm đường không còn khó như trước. Kinh phí lắp đặt đèn chiếu sáng cũng được các cơ sở kinh doanh bóng đèn hỗ trợ hoặc giảm một phần”. 

    Trong thời gian tham gia tổ COVID cộng đồng, chị Quyên đặc biệt quan tâm những hộ có người già, người mắc bệnh hiểm nghèo và đến nay chị vẫn dành những sẻ chia ân cần cho họ. 

    Nguồn: Báo phụ nữ Online

    TIN LIÊN QUAN