Những điều bố mẹ nên làm khi phát hiện con nói dối

Nghe đọc bài

Trẻ nhỏ chưa có đủ khả năng đánh giá về giá trị nhân sinh quan, vì thế nên rất khó tránh khỏi việc phạm phải những sai lầm mà bản thân không nhận biết được, từ đó dẫn tới nói dối.  

Ngày nay, tình trạng nói dối ở trẻ đang là vấn đề phổ biến mà nhiều bậc phụ huynh đang gặp phải trong quá trình nuôi dạy con cái. Phần lớn bố mẹ đều coi điều này rất nghiêm trọng nên sẽ lập tức trách mắng trẻ. 

Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ lầm tưởng nguyên nhân của việc bố mẹ trách mắng bắt nguồn từ việc bị phát hiện nói dối chứ không phải do chúng nói dối. Lần sau, chúng sẽ tìm những cách nói dối tinh vi hơn để chống chế. 

Vậy làm cách nào để tình trạng nói dối ở trẻ nhỏ không còn là vấn đề khiến bố mẹ phải đau đầu? Các bậc phụ huynh có thể tham khảo một vài gợi ý hữu hiệu dưới đây:

Quan sát kỹ từng hành động nhỏ của con

Thông thường, trẻ nói dối đều có nguyên nhân và lần đầu tiên chúng nói dối sẽ rất căng thẳng vì sợ bị phát hiện. Trẻ cũng hy vọng bố mẹ không quá để ý tới lời nói và tin lời trẻ nói. 

Nếu lần đầu nói dối thành công thì chắc chắn có những lần sau, dẫn tới việc nói dối ngày càng diễn ra nhiều hơn. Ngược lại, khi bố mẹ phát hiện kịp thời để áp dụng một số hình thức trách phạt phù hợp, con trẻ sẽ không dám tùy tiện nói dối nữa. 

Do đó, bố mẹ nên lưu tâm, phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của con để uốn nắn kịp thời. Bởi trên thực tế, chỉ cần bố mẹ chú ý quan sát, nói chuyện cùng con nhiều thì sẽ rất dễ phát hiện trẻ có đang nói dối hay không. 

Quan sát kỹ từng hành động nhỏ của con
Quan sát kỹ từng hành động nhỏ của con để xem chúng có đang nói dối hay không

Không đánh mắng con vô cớ

Theo các nhà nghiên cứu về tâm lý học, đôi khi trẻ nói dối vì chúng biết nếu nói thật thì mình sẽ bị phạt. Có thể trẻ không muốn nói dối nhưng do không dám nêu ra sự thật nên đành phải nói dối.

Lúc này, việc làm cần thiết của bố mẹ đó chính là tôn trọng sự im lặng của trẻ. Đồng thời, bình tĩnh xem xét, phân tích để con hiểu nguyên nhân cũng như hậu quả từ việc làm đó. 

Việc phát hiện kịp thời sẽ giúp trẻ không bị lấn sâu vào việc phải nói dối. Cần uốn nắn con bằng cách chỉ rõ tác hại để chúng nhận ra sai lầm, đồng thời động viên con sửa sai. 

Tôn trọng và tin tưởng

Nếu bố mẹ nghi ngờ sự thành thật của con sẽ dẫn tới việc nảy sinh những điều không tốt tới tâm lý, từ tủi thân, oán tránh cho tới không phục, thậm chí là trẻ có thể chống đối lại.

Đây chính là mầm mống của việc trẻ nói dối thường xuyên. Do đó, bố mẹ hãy yêu thương, quan tâm, tôn trọng và tin tưởng con mình. Nên bồi dưỡng đức tính trung thực cùng những phẩm chất tốt đẹp khác cho con.

Tôn trọng và tin tưởng
Hãy tôn trọng và tin tưởng con trẻ

Giúp trẻ nhận thức rõ tác hại của việc nói dối

Khi thấy con nói dối, bố mẹ cần giáo dục, giúp trẻ nhận thức tác hại của thói quen nói dối. Hãy để chúng biết những gì nhận lại từ việc nói dối chỉ mang lại niềm vui ngắn ngủi vì bản thân có thể lừa được người khác, nhưng đến một lúc nào đó cũng sẽ bị phát hiện ra. Điều đó cũng đồng nghĩa là người khác không còn tin tưởng vào con nữa. 

Thông qua một số câu chuyện ngụ ngôn về việc nói dối để giúp trẻ thấy rằng, kẻ nói dối bao giờ cũng có cuộc sống không mấy tốt đẹp. Khi con bạn nhận ra lỗi lầm và hứa hẹn sẽ sửa sai, bố mẹ phê bình nhưng cũng cần khoan dung, tin tưởng con mình.

Giúp sự hiểu biết của con thêm phong phú

Kiến thức của trẻ thường rất nhỏ hẹp, chúng thường mơ mộng và đôi khi sẽ bị lẫn lộn giữa hiện tại, không phân biệt được thật giả rõ ràng. Thậm chí đôi lúc trẻ còn phụ thuộc vào ảo ảnh của lời nói dối.

Bố mẹ cần biểu dương trí tưởng tượng của con nhưng cần cung cấp cho trẻ những kiến thức đúng đắn từ thực tế, giúp chúng phân biệt, so sánh, đối chiếu mọi việc một cách chính xác, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. 

Giúp sự hiểu biết của con thêm phong phú
Giúp sự hiểu biết của con thêm phong phú bằng những minh họa cụ thể

Bồi dưỡng năng lực phân biệt cho con

Do chưa đủ khả năng nhận thức và đánh giá về giá trị nhân sinh quan nên trẻ khó tránh khỏi việc háo thắng chuyển dần thành háo danh, từ đó dẫn tới thói quen nói dối. Vì thế, bố mẹ cần bồi dưỡng cho con quan niệm cạnh tranh lành mạnh ngay từ lúc chúng còn nhỏ. 

Bài viết trên đã chia sẻ một số cách hành xử của bố mẹ khi phát hiện con trẻ nói dối. Hy vọng thông qua nội dung vừa rồi, các bậc phụ huynh sẽ nắm bắt được những bí quyết dạy con hiệu quả, giúp trẻ trung thực, trưởng thành hơn trong tương lai. 

TIN LIÊN QUAN